CÔNG NGHỆ LONG AN

CÔNG NGHỆ LONG AN

CÔNG NGHỆ LONG AN

0888300345
Trải nghiệm Core i9-9900KS: 5 GHz toàn nhân không cần OC, tản ngon lên được 5,2 GHz, mát hơn K

Core i9-9900K vẫn rất mạnh nhưng cũng là con CPU khó trị nhất mà mình từng xài bởi để khai thác tối đa hiệu năng của nó cũng như có thể OC, thỏa mãn chữ K trong tên gọi thì bạn sẽ cần đầu tư kha khá về tản nhiệt cũng như bo mạch chủ với thiết kế dàn phase đủ tốt. Core i9-9900K nó giống như một thử nghiệm, thử nghiệm để khiến Intel phải lập tức tung ra Core i9-9900KF với iGPU (vi xử lý đồ họa tích hợp) được tắt đi để ít ăn điện, mát hơn, dễ OC và mới nhất là Core i9-9900KS - một biến thể đặc biệt, được Intel rút kinh nghiệm "sâu sắc" để 8 nhân có thể chạy ở 5 GHz dễ dàng.

Core i9-9900KS thì chữ S ở đây nghĩa là đặc biệt, nó khác với chữ F tức không có GPU tích hợp. Con CPU này vẫn thuộc dòng Coffee Lake Refresh, vẫn có 8 nhân 16 luồng và xung nhịp tối đa 5 GHz. Tuy nhiên nhìn trong bảng so sánh dưới đây thì anh em sẽ thấy nó khác Core i9-9900K hay KF chỗ nào:

Có 2 thứ khác biệt rất rõ ràng và nó sẽ tác động lớn đến hiệu năng của CPU đó là xung nhịp và TDP, phần còn lại không khác gì. Intel đã tinh chỉnh lại xung cơ bản và xung Turbo Boost, cho con Core i9-9900KS chạy từ mức xung 4 GHz trở lên, quãng xung cần để đạt 5 GHz rút ngắn xuống còn 1000 MHz thay vì 1400 MHz như Core i9-9900KS và KF.

Thêm vào đó là mức xung đa nhân đều là 5 GHz thay vì giảm dần theo số nhân, chẳng hạn như Core i9-9900KS hay 9900K khi anh em chơi game, toàn nhân nó sẽ chạy ở 4,7 GHz, đôi khi nhảy lên 5 GHz nhưng không giữ mức xung này và nếu có một ứng dụng nào đó dùng 4 nhân thì nó cũng chạy ở 4,8 GHz và 2 nhân duy trì ở 5 Ghz. Trong khi đó Core i9-9900KS nó đơn giản là tất cả đều 5 GHz, không tăng giảm theo số nhân cùng hoạt động. TDP của bản KS giờ là 127 W thay vì 95 W như các phiên bản K và KF.

 

Về nền tảng hỗ trợ thì anh em có thể dùng Core i9-9900KS trên nhiều loại bo mạch chủ dùng chipset Intel 300 series. Tuy nhiên không thể mua "trâu" lại đem nhốt "chuồng gà", bản thân Intel cũng gợi ý nên dùng Z390. Mình từng test con Core i9-9900K trên một chiếc bo Z370, vẫn chạy rất ngon nhưng với điều kiện là dàn VRM phải tốt, phase thật trên 8 con thì mới khai thác tối đa các phiên bản Core i9-9000 series, bao gồm cả nhu cầu nghịch ngợm OC.

Giờ thì test luôn con Core i9-9900KS này cho anh em dễ hình dung:

Mình lại test ở 2 thiết lập quen thuộc là để tự động hết và sau đó OC thử xem sao. Anh em đã xài CPU dòng K của Intel hay những con Ryzen của AMD thì không thử OC lên xíu rất phí, chơi được rồi không thích xài non-K nữa :D. RAM của hệ thống chạy theo xung XMP 2.0, tản nhiệt Corsair thì bật chế độ Performance cho nó mát mẻ. Mình cũng so sánh với Core i9-9900K OC 5 GHz toàn nhân trên cùng hệ thống để anh em có thể hình dung khác biệt về hiệu năng ra sao.

Đầu tiên với Cinebench R15 và R20 bản mới đã dùng AVX-512, mình cho chạy 5 lần, mỗi lần cách nhau tầm 1 phút. Kết quả anh em có thể thấy Core i9-9900KS khi để mặc định, nó tự đạp lên 5 GHz toàn nhân và duy trì hiệu năng tốt hơn với điểm số Cinebench R15 trung bình ở 2150 điểm trong khi con Core i9-9900K mặc dù chạy cùng mức xung nhưng hiệu năng vẫn thấp hơn. Một điều thú vị là Core i9-9900KS chỉ cần 1,32 - 1,33 V là có thể đạt được mức xung này trong khi con Core i9-9900K mình phải set Vcore 1,35 V với LLC ở mức 3.

Cinebench R20 bản mới nhất của Cinema4D khai thác tập lệnh mở rộng AVX-512 nặng hơn, cho kết quả tương tự với điểm số của Core i9-9900KS chạy ở 5 GHz toàn nhân chỉnh hơn so với Core i9-9900K cùng xung. Cinebench R20 cũng khiến con CPU nóng hơn đáng kể so với bài test R15, nhiệt độ sẽ trên 90 độ C và throttle nếu anh em không có giải pháp tản nhiệt đủ tốt. Nếu muốn mát hơn thì buộc phải offset AVX xuống tầm -2 hay -3 (toàn nhân sẽ tự động đẩy xuống 4,7 GHz hay 4,8 GHz). TDP của Core i9-9900K là 95 W trong khi Core i9-9900KS là 127 W - sự thay đổi này cho thấy con KS có thể duy trì hiệu năng ở xung nhịp cao với điện năng vào lớn hơn và điều này cũng đồng nghĩa rằng nó sẽ cần giải pháp tản nhiệt tốt bởi 127 W là là công suất thoát nhiệt của CPU chứ không phải công suất tiêu thụ.

Cũng trong bảng trên, anh em có thể thấy mình cho Core i9-9900KS chạy ở các mức xung OC như 5,1 GHz toàn nhân (Vcore 1,345 V - 1,35 V) và 5,2 GHz toàn nhân (Vcore 1,355 V - 1,36 V). "Điểm ngọt" của con Core i9-9900KS theo mình là 5,1 GHz toàn nhân bởi nó rất dễ đạt được mức xung này với tản nhiệt nước AIO với điện áp từ 1,34 V. Với 5 lần test cả Cinebench R15 và R20, đường màu vàng của 5.1 GHz toàn nhân mượt nhất, ít trồi sụt nhất bởi chênh lệch điểm số giữa các lần chạy không nhiều. Riêng với 5,2 Ghz toàn nhân thì mình phải tăng cường hiệu quả làm mát của chiếc tản AIO đang dùng với 3 chiếc quạt hiệu năng cao của EKWB (dòng Furios Vandar EVO 3000 rpm) thay cho 3 cái quạt gốc ML120 của Corsair. Nhờ đó mình có thể giữ cho Core i9-9900KS chạy ổn định và vượt qua nhiều bài test ở mức xung 5,2 GHz toàn nhân. Nhiệt độ CPU khi test cũng ở ngưỡng 90 độ C, xung nhịp không duy trì liên tục ở 5,2 GHz mà dao động ở mức 5,190 - 5,2 GHz.

Chuyển sang các bài test render khác như Corona và V-RAY, sự chênh lệch giữa Core i9-9900KS chạy ở 5 GHz toàn nhân với Core i9-9900K cùng 5 GHz không nhiều. Tuy nhiên sau khi mình cho chạy ở 5,1 GHz toàn nhân thì kết quả có phần cải thiện, kết quả ở 5,2 GHz cũng khá ổn nhưng một lần nữa cho thấy hiệu năng không ổn định như 5,1 GHz.

Mình dùng 7-Zip để test hiệu năng compress/decompress với mẫu 32 MB, đơn vị là MIPS (triệu chỉ thị mỗi giây). Trong bảng này mình có thêm nhiều con CPU trước đây từng test, đưa Core i9-9900KS vào so sánh cho anh em dễ hình dung.

Trong lần test này mình bổ sung bài test Cinegy Cinescore - một công cụ để benchmark hiệu năng mã hóa các định dạng số của CPU, được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp truyền hình và media như một thước đo hiệu năng hệ thống. Công cụ cho phép benchmark CPU khi encode các định dạng phổ biến như H.264, MPEG-2 và các định dạng của máy quay chuyên nghiệp như AVC-Intra/Ultra, XDCAM EX35/HD422 ... ở nhiều độ phân giải từ FHD đến 8K. Kết quả sẽ gồm 2 phần, điểm số hiệu năng CPU tổng thể và tỉ lệ khung hình/giây khi mã hóa định dạng (đơn vị FPS) ở dưới. Anh em có thể test thử máy đang xài xem kết quả ra sao nhé,

Dĩ nhiên là không thể thiếu game, mình chỉ test 2 tựa game để cho anh em thấy sự chênh lệch về hiệu năng giữa các mức xung CPU. Thực tế thì đa phần các tựa game đều GPU bound tức là cần sức mạnh của GPU nhiều hơn CPU nhưng cũng có không ít những tựa game đói CPU, mình liệt kê như Civilization V/VI, Cities: Skylines, Total War: Warhammer 2, Stellaris ... đa phần là các tựa game giả lập thế giới mở mà xui cái mình lại ít chơi mấy cái game này nên không test được. Anh em có thể thấy ở 5,1 GHz thì chúng ta có tỉ lệ khung hình tốt nhất, đúng như kết quả benchmark bằng các phần mềm trên. Điểm số 3DMark CPU cũng cho thấy điều tương tự.

Mình hay dùng AIDA64 để stress test CPU thay vì Prime95 dù đây là công cụ rất phổ biến để kiểm tra độ ổn định của hệ thống. Thực tế Prime95 có thể đẩy con CPU lên cực hạn còn với đa số các ứng dụng bình thường, AIDA64 stress test là quá đủ bởi nó vẫn khiến con CPU khổ sở với AVX. Hình trên là khi stress test 5,1 GHz (1,345 V) và 5,2 GHz (1,355 V). Hệ thống tản nhiệt đủ tốt khiến con CPU không throttle, nhiệt độ được kiểm soát ở mức dưới 85 độ C, xung nhịp ổn định. Mỗi lần stress test mình thường cho chạy trong 30 phút, nhiệt độ phòng lạnh ở 25 độ C và dĩ nhiên là đang chạy với 3 cái quạt EKWB chạy xé gió với tốc độ quay trên 3200 rpm.

Riêng với 5 GHz toàn nhân thì Core i9-9900KS lại không gặp vấn đề về nhiệt như Core i9-9900K bởi nó có thể dễ dàng đạt được mức xung này ngay từ mức điện áp chỉ 1,25 V và khi mình Cinebench R15, nó cần Vcore chỉ 1,32 V và với R20 có AVX là 1,35 V. Chính vì vậy một hệ thống tản nhiệt khí đủ tốt hay AIO 240 mm là có thể đảm bảo hiệu năng của Core i9-9900KS với xung mặc định.

Còn về độ ăn điện thì Core i9-9900KS khi không tải ăn khoảng 16 W, tương tự như Core i9-9900K mặc định không OC nhưng tính ra lại thấp hơn bởi cần lưu ý rằng con Core i9-9900KS mặc định đã ở 5 GHz trong khi Core i9-9900K mặc định chỉ 4,7 GHz toàn nhân. Để con i9-9900K của mình chạy 5 GHz toàn nhân thì mình thường phải dùng điện áp từ 1,345 - 1,35 V và lúc này khi nghỉ nó sẵn ăn khoảng 28 W. Core i9-9900KS nếu cứ để mặc định mà chạy thì điện áp Vcore nhiều khi bị đẩy lên trên 1,35 V, từ đó khiến nó ăn điện nhiều hơn do các tính năng tăng cường hiệu năng của bo mạch và gợi ý của mình là nếu anh em chỉ cần 5 GHz với KS thì nên set Vcore cố định luôn để nó khỏi nhảy lên xuống. Mình đã thử cho Core i9-9900KS chạy ở 5,1 GHz toàn nhân Vcore 1,345 V và 5,2 GHz toàn nhân Vcore 1,355 V và cho chạy các bài test như Cinebench R15/R20 và AIDA Stress Test thì anh em có thể thấy trong bảng trên, 5,1 GHz 1,345 V vẫn là điểm ngọt nhất của KS, ăn điện vừa phải, không quá nóng và cũng đạt hiệu năng cao nhất. Nếu như Core i9-9900K ăn đến 220 W khi chạy Cinebench R20 ở 5 GHz toàn nhân thì cũng ở 5 GHz, KS chỉ ăn 200 W và thậm chí đến 5,2 GHz vẫn chỉ ăn 209 W nhờ điệp áp core thấp hơn nhiều. Vậy nên có thể kết luận KS ít ăn điện hơn K và cũng mát hơn K.

Mình chốt lại rằng Core i9-9900KS có thể hiểu làm một phiên bản đặc biệt của Core i9-9900K, có một sự lựa chọn về bán dẫn, hay gọi là product bining nhằm lựa ra những con tốt nhất và xung được lập trình lại để khiến nó có thể dễ dàng đạt được mức xung 5 GHz toàn nhân mà không phải khổ sở chỉnh tới lui về điện áp như Core i9-9900K. Thêm vào đó, mức TDP nâng lên thành 127 W, chạy ở xung 5 GHz toàn nhân mát hơn rất nhiều so với Core i9-9900K thành ra tiềm năng ép xung của bản KS này lớn hơn, với giải pháp của mình đã có thể kéo lên 5,2 GHz toàn nhân và với tản nhiệt nước custom có thể lên cao nữa.

Mức giá của bản KS này chênh khoảng 1 triệu so với phiên bản Core i9-9900K và Core i9-9900KF, tức là tầm 13,5 triệu. Mình nghĩ nếu anh em thích Core i9-9000 series thì bản KF vẫn hợp lý nhất, K thì nóng khó OC hoặc hên xui trúng silicon lottery thì được con ngon OC dễ dàng còn nếu lười OC, thích lắp vào là chạy được 5 GHz toàn nhân ngay thì KS là giải pháp. Một cái lưu ý nữa là bản KS chỉ bảo hành 1 năm trong khi các bản còn lại đều bảo hành 3 năm.

Theo: Tinhte.vn

 

 

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
1
Bạn cần hỗ trợ?
Go Top