Theo một nguồn tin của Bruce Stanley, phóng viên Associated Press tại Hà Nội, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 50.000 máy tính đủ loại, đa số là máy vi tính (micro-ordinateur), các máy này được dùng trong cả phạm vi nhà nước lẫn tư nhân. Số chuyên gia tin học (informatique) được ước lượng là khoảng 2000 người, mỗi năm các trường đại học trong cả nước đào tạo khoảng 300 người. Chương trình phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trở thành một trong những chương trình ưu tiên quốc gia, và ngân sách đầu tư cho tin học trù tính từ đây cho tới năm 2000 là khoảng 1 tỷ đôla, trong đó 2/3 sẽ do đầu tư từ bên ngoài. CNTT được hiểu như tổng hợp các công nghệ Điện tử, Tin học, Viễn thông và Tự động hóa, nhằm ứng dụng trong quản lý, sản xuất, nghiên cứu khoa học... có thể nói mọi hoạt động kinh tế xã hội.
Mặc dù có thể đã được thổi phồng khá nhiều (theo một số liệu chính thức, đầu 92 ở VN mới chỉ có khoảng 6000 máy tính, và số chuyên gia được đào tạo chính quy thì chưa đến 500), những con số này nói lên sự tiến bộ nhanh chóng của ngành CNTT Việt Nam, nhất là khi biết khoảng năm 85, số máy tính có lẽ còn đếm được trên đầu ngón tay. Đây là hậu quả của sự bùng nổ tin học trong những thập kỷ 70, 80, hiệu suất tăng luỹ thừa và giá giảm theo, khiến cho dù muốn dù không làn sóng vi tính, tin học cũng xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên CNTT không phải chỉ có vấn đề sắm máy vi tính với những chương trình làm sẵn nhập về, ai muốn dùng sao thì dùng. Không cần trở lại tầm quan trọng chiến lược của thông tin nói chung. Vấn đề là triển khai CNTT theo phương hướng nào cho thích hợp với hoàn cảnh riêng của VN. Quốc sách về CNTT là vấn đề nước nào cũng đặt ra, nhất là những nước đang phát triển.
Ngày 04/08/93, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký “ nghị quyết của chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90” (trong bài này xin viết gọn thành NQ), nghị quyết này xuất phát từ bản báo cáo “chính sách quốc gia phát triển công nghệ thông tin ở nước ta đến năm 2000”, do một tập thể chuyên gia đầu đàn thực hiện từ đầu năm 92, người chủ trì là giáo sư Phan Đình Diệu. Nhiều chuyên gia khác, kể cả Việt kiều nhiều nước, đã được tham khảo ý kiến. Đây là một phác thảo chiến lược, chưa có những bước triển khai cụ thể, dưới đây xin giới thiệu những ý lớn (chữ viết nghiêng là trích NQ), không theo thứ tự và không giới thiệu được hết:
1. “Phát triển CNTT chủ yếu dựa trên cơ sở tiếp thu công nghệ từ nước ngoài” (để làm được việc đó) “ cần đào tạo, phát triển lực lượng lao động lành nghề, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và triển khai trong nước và hợp tác nghiên cứu với nước ngoài”. Điều này hiện nay hiển nhiên, nhưng trong quá khứ không phải không có người có ảo tưởng “tự lực cánh sinh”.
2. “Phát triển CNTT ở nước ta chủ yếu là nhằm ứng dụng...” đây cũng như điểm trên, nhấn mạnh một thực tế hiển nhiên, và cũng nhấn mạnh quan điểm thực dụng cần có ngay hiệu quả, và như vậy là đáng mừng.
3. “ Phát triển CNTT ở nước ta trên cơ sở quan điểm hệ thống mở”. Điều này có lẽ mới. “Hệ thống mở” nói gọn lại là những hệ thống có hai đặc điểm: có thể trao đổi thông tin với những hệ thống khác (bất kỳ do ai sản xuất) và có thể được thêm vào những chức năng mới, ngày càng giàu hơn (mở ra với tương lai). Quan điểm hệ thống mở khởi đi từ áp lực của những người dùng máy, không muốn bị những hãng bán máy “còng tay” trong hệ thống riêng của họ. Điều này càng trở nên cấp thiết khi việc “xử lý từ xa” đã phổ biến trong các công ty, các cơ quan lớn; ở những nơi này “xử lý tin” và “truyền tin” liên hệ mật thiết với nhau và có khả năng đem lại những nguồn lợi ích rất lớn, nhưng đồng thời những họ máy, những thế hệ máy khác nhau thường phải hoạt động chung.
Hiện nay chính phủ Liên bang Hoa kỳ và khối thị trường chung Châu Âu đã đều ban hành chính sách “hệ thống mở”. Các công ty siêu quốc gia về CNTT dĩ nhiên vâng dạ răm rắp nhưng phải nói rằng trên thực tế còn nhiều vấn đề tồn tại. Những chuẩn mực trở thành quan trọng hàng đầu, không phải chỉ trong các kỹ thuật cơ bản mà còn trong những chức năng cao cấp hơn như thủ tục trao đổi, trình bày thông tin... và những bàn cãi về chuẩn thường kéo dài nhiều năm vì ai cũng muốn “chuẩn, đồng ý, nhưng nên theo đề nghị của tôi...”, thêm nữa phải có thời gian để cho phép phát minh và thử nghiệm những chức năng mới. Theo thiển ý, VN nên tham dự vào phong trào chung áp đặt “hệ thống mở”, có nghĩa là tham gia thực sự vào các tổ chức chuẩn quốc tế, vừa để tìm hiểu các chuẩn mực mới của những chức năng đang hình thành (đây cũng là cơ hội để có thể xác định những sản phẩm CNTT và thị trường vừa tầm tay), vừa bảo vệ những đặc thù của mình. Tuy nhiên cũng không nên cầu toàn, vì có thể tính trước từ đây tới năm 2000, các hệ thống vẫn sẽ vừa mở vừa đóng, vì vậy rất cần có những chuyên gia có trình độ tìm hiểu sâu và làm chủ những hệ thống đó, để làm cho chúng có thể trao đổi với nhau.
Trong bối cảnh đó, việc VN đã ban hành được bộ mã chuẩn chữ Việt thực đáng hoan nghênh và ủng hộ. (xem D.Đ. số 13 / 1.11.92, bài của James Đỗ; tuy nhiên xin lưu ý bộ mã đã được ban hành ngày 15/3/93 có hơi khác bộ mã dự thảo chúng tôi đã đăng, khi nhận được văn bản chính thức chúng tôi sẽ đính chính lại). Ngoài ra NQ cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của những chuẩn mực ở cấp cao hơn như những chuẩn về thông tin thống kê, quản lý, điều mà các nhà khoa học trong nước đã yêu cầu từ lâu.
4. Trong các mục tiêu xây dựng và phát triển CNTT, được đặt lên hàng đầu là “ Xây dựng hệ thống các máy tính và các phương tiện truyền thông được liên kết với nhau trong các mạng”, ... “ khẩn trương xây dựng mạng truyền số liệu quốc gia”. Điều này cho thấy lưu tâm thích đáng đến kết hợp hài hoà giữa xử lý tin và truyền tin. Một vài số liệu cho thấy nhà nước đã triển khai khá mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho ngành viễn thông, điện thoại: số máy điện thoại hiện có là khoảng 180.000, và dự án cho tới năm 2000 là phải nâng lên đến 3 triệu (như vậy số tiền đầu tư cho riêng khoản này sẽ phải lên tới hàng tỷ đôla). Được biết (theo một tạp chí chuyên ngành tại Pháp) tiền đầu tư năm 82 cho viễn thông ở VN là 70 triệu đôla, ước lượng cho 1993 là 170 triệu. Hiện nay các công ti viễn thông lớn trên thế giới đều có những dự án làm ăn lớn với nước ta, một số đã đang triển khai. Hãng Alcatel đã thành lập chi nhánh tại VN dưới tên Alcatel Network System Vietnam, với dự tính sẽ đặt mỗi năm 150.000 dây / máy điện thoại.
5. Ngoài những vấn đề cơ bản như giáo dục, phổ cập “văn hoá thông tin” trong xã hội, bước đầu xây dựng cơ sở công nghiệp cho CNTT, tăng cường các công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế... NQ cũng nêu tên (không có nhiều chi tiết) một số những dự án cụ thể áp dụng CNTT ở mức nhà nước như “ Hệ thống thông tin quản lý hành chánh nhà nước”, “tài chính, ngân hàng, thị trường, giá cả và xuất nhập khẩu”... đáng chú ý thêm là nhà nước “ khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế chủ động tổ chức và thực hiện các dự án tin học hoá hoạt động kinh doanh, dịch vụ của mình.”